Tam tòng tứ đức là tiêu chuẩn đạo đức, ứng xử mà xã hội xưa đã đặt ra cho người phụ nữ. Đối với nam giới là tam cương ngũ thường trong xã hội phong kiến phải thực hiện theo. Những người phụ nữ sống trong xã hội xưa, họ có thể không được đi học, không hiểu biết nhiều về các kiến thức xã hội, thậm chí họ còn không biết chữ nhưng họ lại hiểu rất rõ về “tam tòng tứ đức”. Vậy “tam tòng tứ đức” là gì?
Tam tòng tứ đức là gì?
Tam tòng tứ đức 三从四德 /sān cóng sì dé/ đã từng là khuôn phép được đặt ra, yêu cầu người phụ nữ phải thực hiện vì chỉ có làm theo tam tòng tứ đức người phụ nữ ấy mới được coi là một người phụ nữ có giáo dưỡng. Tam tòng tứ đức một thời trở thành nền tảng xã hội cũng như quy phạm đạo đức được dùng để đánh giá một người phụ nữ.
1. Tam tòng là gì?
Tam tòng trong tiếng Trung là 三从 /sān cóng/. Tam 三 /sān/ là ba, chữ tòng 从 /cóng/ trong 顺从 /shùncóng/ thuận theo, tòng có nghĩa là nghe theo, thuận theo, vâng lời, làm theo. Tam tòng để chỉ ba điều mà người phụ nữ xưa bắt buộc phải nghe theo và làm theo.
Đó là :
在家从父 /zài jiā cóng fù/ tại gia tòng phụ: Có nghĩa là con gái khi còn ở nhà phải nghe theo cha mẹ. Trong xã hội xưa một người con gái ngoan ngoãn, được mọi người đánh giá là con nhà giáo dưỡng thì phải biết nghe lời bố mẹ, làm theo những lời bố mẹ mà chủ yếu là người cha đề ra.
出嫁从夫 /chū jià cóng fū/ xuất giá tòng phu: Có nghĩa là con gái khi đã được ngả đi rồi thì phải nhất nhất nghe theo chồng. Người phụ nữ phải có trách nhiệm vun vén, tạo dựng hạnh phúc gia đình, giúp chồng làm lên nghiệp lớn.
夫死从子 /fū sǐ cóng zǐ/ phu tử tòng tử: Có nghĩa là nếu chồng qua đời thì phải theo con. Tòng tử được hiểu là nếu người chồng mất đi thì người phụ nữ phải ở vậy nuôi con trưởng thành và các việc trọng đại thì đều do con trai quyết định.
Như vậy, tam tòng chính là tòng phụ 从父 /cóng fù/, tòng phu 从夫 /cóng fū/ và tòng tử 从子 /cóng zǐ/.
Tam tòng trong xã hội hiện đại ngày nay nên được hiểu một cách khái quát và rộng hơn. Là một người phụ nữ cũng là một người con thì việc nghe lời bố mẹ là điều đúng nhưng trong xã hội ngày nay thì việc nghe lời nên đi kèm với chính kiến cá nhân. Khi đã lấy chồng thì dù là xưa hay nay thì người vợ vẫn luôn nên tôn trọng, dung hòa và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu chồng qua đời thì người phụ nữ ngày nay dù có đi thêm bước nữa cũng nên là một điểm tựa vững chắc cho con.
2. Tứ đức là gì?
Tứ đức trong tiếng Trung là 四德 /sì dé/. Đối với một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của nho giáo như Việt Nam thì có lẽ cụm từ tứ đức đã không còn quá xa lạ. Tứ 四 /sì/ là bốn, đức 德 /dé/ là đạo đức, tứ đức là bốn đạo đức mà người phụ nữ nên có.
Đó là:
功 /gōng/ công: Là công lao, sự nghiệp, việc lớn. Có nghĩa là người phụ nữ khéo léo trong việc làm, đảm đang, tháo vát. Sự nghiệp lớn của người phụ nữ đó là chăm sóc con cái, gìn giữ gia đình hòa thuận hạnh phúc.
容 /róng/ dung: Dung là dung mạo. Dung mạo ở đây không chỉ chỉ ngoại hình mà còn chỉ cách ăn mặc, trang điểm. Người phụ nữ có “dung” là một người phụ nữ biết cách ăn mặc trang nhã, phù hợp, đoan trang.
言 /yán/ ngôn: Ngôn là lời nói. Ngôn có mặt trong tứ đức là bởi xã hội xưa cho rằng người phụ nữ phải biết cách ăn nói sao cho nhẹ nhàng, khéo léo, không tho tục, hỗn hào.
德 /dé/ trong 品德: Là đức hạnh, là đức quan trọng nhất của người phụ nữ. Một người phụ nữ đức hạnh sẽ biết cách giáo dục con cái, biết cách dung hòa mối quan hệ trong gia đình. Hạnh còn nói về tiết hạnh của người phụ nữ.
Có thể thấy, xã hội thay đổi, người phụ nữ hôm nay cũng đã khác trước rất nhiều. Quan Niệm về “ Tam tòng và tứ đức” có thể hơi xa vời với một số phụ nữ hiện đại.
Tuy vậy, dù ở thời đại nào, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách. Họ có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình.
Xem thêm