Trái ngược với tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử là “Nhân chi sơ tính bản thiện”, Tuân Tử đã đưa ra tư tưởng ” Nhân chi sơ tính bản ác“. Vậy ý nghĩa của tư tưởng này là gì? Con người vốn dĩ có tính bản ác như vậy không? Hôm nay cùng tự học tiếng Trung tại nhà tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Trung Hoa với học thuyết của Tuân Tử nhé!
1. Tuân Tử là ai?
Tuân Tử – 荀子) (316 TCN – 237 TCN) là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc. Cùng với Mạnh Tử, ông là một trong những người nổi bật nhất trong những người kế thừa và phát triển tư tưởng Nho gia của Khổng Tử.
Tuân Tử chứng kiến sự hỗn loạn xung quanh sự sụp đổ của nhà Chu và sự nổi lên của nước Tần với tư tưởng của Pháp gia là “tập trung vào sự kiểm soát của nhà nước bằng luật pháp và hình phạt”. Do vậy, khác với các nhà Nho khác, ông cho phép những luật để trừng phạt tồn tại đóng vai trò nhất định trong việc quản lý nhà nước. Không giống với các nhà Pháp gia, ông ít chú trọng đến các luật lệ chung mà ủng hộ việc sử dụng ví dụ cụ thể để làm hình mẫu.
Đối lập với thuyết “nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử, Tuân Tử lại cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”. Vậy học thuyết này có ý nghĩa và hiểu như thế nào cho đúng? Chúng ta cùng tìm hiểu tiếp nhé!
2. Nhân chi sơ tính bản ác là gì?
Nhân chi sơ tính bản ác là gì? Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác. Có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Ông cho rằng, con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn. Do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người. Tuy nhiên, ông lại tin rằng chỉ có giới tinh hoa mới làm được điều này.
Theo Tuân Tử, “ác” trong sự đối lập với sự “thiện”: “Xưa nay, thiên hạ gọi là thiện những gì hợp với sự “chính lí bình trị” gọi là ác những gì hợp với sự “thiên hiểm bội loạn”. Đó là thiện và ác”.
Điều này có nghĩa là những gì mang lại thái bình thịnh trị, đất nước ấm êm thì đó là “thiện”. Ngược lại điều gì mang lại hỗn loạn vô lối, chiến tranh bạo lực thì đó là “ác”. Theo đó ông nhìn thiện ác trong bình diện của chính trị như những gì ông đã chứng kiến về thời buổi ông đã sống.
Với Tuân Tử cái gì đi ngược với đạo đức luân lý của xã hội, đi ngược lại với thái bình thịnh trị là ác.
Theo Tuân Tử: “Tính” là cái trời sinh ra đã có, vốn thế, không thể học cũng không thể làm ra được. Đó là bản tính tự nhiên của mỗi con người. Tính thì ai cũng như ai, đều ác cả: tính của thánh nhân cũng như tính người thường.
Ông bà ta cũng thường nói “cha mẹ sinh con trời sinh tính” để nói đến cái gì đó bên trong con người không thể thay thế hoặc làm ra. Bên cạnh đó, ông còn nói thêm tính của con người tự nhiên là ích kỷ, quy về mình mình, ham muốn hưởng thụ.
Nếu theo học thuyết, con người có phải hoàn toàn là khuynh hướng ác? Theo Tuân Tử, không hẳn là thế, trong con người tự bản chất từ khi sinh ra đã có “khuynh hướng xấu” . Nhưng nơi con người còn có yếu tố giúp con người hướng đến sự thiện. Ông nhận thấy con người vẫn có thể hướng thiện ngang qua “tâm”.
Hơn nữa, ông nói rằng: nhờ tâm, người ta mới có thể hiểu được đạo lý: “Ông thường ví Tâm như là mâm nước. Khi nước lặng yên không bị khuấy động thì bụi bặm lắng xuống, nước trong sáng như gương phản ánh rõ ràng từng sợi râu, lông, tóc. Tâm mà tĩnh lặng cũng có thể soi chiếu đến tận cùng cái lý của vạn sự vạn vật.
Từ việc thấy được “khuynh hướng ác” trong con người và yếu tố giúp con người có thể hướng thiện là tâm. Giờ đây, Tuân Tử đưa ra đường hướng để giúp con người trở nên người tốt. Theo ông, giống như cây bị cong, bị vênh muốn uốn cho thẳng thì trước hết cần phải luộc, phải hơ nóng và phải có khuôn để uốn. Dao bị cùn thì cần mài, dũa mới bén được.
Như vậy, tính con người cũng thế, muốn có điều thiện, muốn trở nên người tốt thì họ cần được dạy dỗ, cần được giáo dục. Để giáo dục con người trở nên tốt thì việc đầu tiên là giáo dục tâm. Giáo dục tâm trong con người có nghĩa là giáo dục về ý thức, về sự hiểu biết. Khi tâm trong con người được giáo dục, được huấn luyện, nó sẽ giúp con người phân định hoặc nhận ra được điều gì là tốt, điều gì là xấu, điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Tư tưởng này đã được một học trò xuất sắc của ông là Hàn Phi phát triển lên thành một học thuyết, được gọi là “học thuyết pháp trị” . Một học thuyết đến nay vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, kẻ khen, người chê đều không thiếu.
Trên đây là một số luận giải về học thuyết “nhân chi sơ tính bản ác” . Hi vọng bạn sẽ có những cái nhìn đúng đắn và có những định hướng “thiện” để cải thiện những cái “ác” của mình.
Tìm hiểu văn hóa Trung Hoa là một trong những cách để học tiếng Trung hiệu quả. Đừng quên cập nhật những bài học tiếng Trung mới nhất tại website nhé!
Xem thêm:
- Các vị công chúa Trung Quốc cổ đại nổi tiếng và xinh đẹp nhất
- Học thuyết “Nhân chi sơ tính bản thiện”
- 10 bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng khiến người đời ngạc nhiên