12373 lượt xem

10 phương pháp và kỹ năng phiên dịch tiếng Trung giúp bạn chuyên nghiệp hơn

Ngoài kiến thức tiếng Trung, khả năng ngôn ngữ thì để trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp bạn cần nắm rõ nhiều phương pháp và kỹ năng phiên dịch. Đây là cách giúp phiên dịch viên linh hoạt, nắm bắt tình huống và đạt hiệu quả trong công việc. Cùng tự học tiếng Trung lưu ngay 10 phương pháp và kỹ năng phiên dịch tiếng Trung giúp bạn chuyên nghiệp hơn nhé!

2 Cách phương pháp dịch tiếng Trung

10-phuong-phap-va-ky-nang-phien-dich-tieng-trung-giup-ban-chuyen-nghiep-hon-1

1. Dịch theo nghĩa đen – dich trực tiếp

Trong dịch thuật, dịch trực (dịch thẳng, dịch sát nghĩa) là phương pháp được sử dụng thường xuyên.

Đây là phương pháp vừa giữ nguyên nội dung, ý nghĩa của văn bản gốc. Đảm bảo sự tương đương về hình thức, từ vựng, cấu trúc câu của bản dịch và bản gốc. Khi ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích có cùng một phương thức biểu đạt thì dịch trực là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Chúng ta thường áp dụng dịch trực trong dịch hợp đồng, số liệu, thư tín thương mại, kinh tế, ngoại giao, pháp luật…

Ví dụ 1:

Bản gốc: 知人知面不知心

Dịch theo nghĩa đen:Biết người biết mặt không biết lòng

Bản dịch và bản gốc hoàn toàn tương đương về kết cấu, từ vựng, thông tin và hình thức.

Ví dụ 2:

Bản gốc: 3月份,食品、酒类和烟草价格均上涨5%,而服装、汽车电脑和书籍价格上涨3.4%。经济专家表示,价格正在迅速上涨,而不仅仅是能源价格。

Dịch theo nghĩa đen:
Trong tháng 3, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá đều tăng 5%, trong khi giá quần áo, ô-tô, máy tính và sách tăng 3,4%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả đang tăng nhanh, chứ không chỉ là giá năng lượng.

Ở ví dụ trên, các thông tin được nhắc đến trong câu tiếng Trung với thứ tự lần lượt là: “3月份”, “食品、酒类和烟草价格”, “均上涨5%”, “而服装、汽车电脑和书籍价格”, “经济专家表示” …sau khi sử dụng phương pháp dịch trực thì thứ tự các thông tin, cấu trúc câu và nội dung ở bản đích vẫn được giữ nguyên giống hệt bản gốc.

Trong cả 2 ví dụ này, thì ngoài phương pháp dịch trực còn áp dụng kỹ xảo dịch đảo.

Ví dụ 3:

Bản gốc:

Trước hết, tôi xin được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi tới các đồng chí cùng toàn thể cán bộ, những người làm công tác đối ngoại ở trong và ngoài nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
(Trích Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc)

Dịch theo nghĩa đen: 首先,我谨代表党和国家的各位领导同志并以个人的情感,向各位同志以及全体国内外从事外交工作的干部职工致以最亲切的问好,最诚挚的问候以及最热烈的祝贺。

* So sánh cấu trúc trong 2 văn bản:

Văn bản gốc: A xin được thay mặt B, và với tình cảm cá nhân, gửi tới C lời chào, lời thăm hỏi và lời chúc mừng

Văn bản dịch: A谨代表B并以个人的情感,向C致以问好,问候以及祝贺

Như vậy, ở đây cấu trúc câu và từ vựng của văn bản gốc gần như được bảo toàn nguyên vẹn trong văn bản đích.

2. 意译 (DỊCH Ý)

Ngoài dịch Trực thì dịch Ý cũng là một phương pháp được sử dụng rộng rãi. Với phương pháp dịch Ý này, người dịch có thể thay đổi hình thức, cấu trúc ngôn ngữ của bản gốc để phù hợp với ngôn ngữ đích trên cơ sở chuyển đổi chính xác nội dung thông tin của bản gốc. Phương pháp dịch này đòi hỏi người dịch phải linh hoạt, nắm chắc nội dung chuẩn của bản gốc, và có một kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ để chuyển dịch sao cho phù hợp với văn hóa và cách diễn đạt của ngôn ngữ đích.

Ví dụ 1:

Bản gốc:血浓于水

Dịch theo nghĩa đen: máu đặc hơn nước

意译: một giọt máu đào hơn ao nước lã

Nếu chúng ta áp dụng dịch trực 血浓于水 thành “máu đặc hơn nước” sẽ nghe không tự nhiên và gây khó hiểu, như vậy rất gần với “dịch cứng, dịch chết” , còn nếu dịch ý là “một giọt máu đào hơn ao nước lã” thì rất quen thuộc, lập tức hiểu ngay.

Qua đây, mình thấy là phương pháp dịch ý thường được áp dụng trong dịch thành ngữ khi 2 ngôn ngữ có sự khác biệt về văn hóa.

Ví dụ 2:

Bản gốc:三天打鱼两天晒网。

Dịch theo nghĩa đen: Ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới

意译: Bữa đực bữa cái

Với cách dịch Trực cụm từ “三天打鱼两天晒网”, người đọc vẫn hiểu được ý muốn nói “làm việc không kiên trì”, nhưng “Ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới” lại không phù hợp với văn phong Tiếng Việt và người Việt cũng chưa từng có cách nói như thế. Bởi vậy, sử dụng phương pháp dịch Trực trong trường hợp này là chưa hợp lý. Với cách dịch ý, câu văn đã trở nên thoát nghĩa, trôi chảy hơn rất nhiều và hoàn toàn phù hợp với cách nói của tiếng Việt.

8 kỹ năng phiên dịch tiếng Trung

10-phuong-phap-va-ky-nang-phien-dich-tieng-trung-giup-ban-chuyen-nghiep-hon-2

1. DỊCH ĐẢO ( 倒译)

Đây là kỹ năng phiên dịch tiếng Trung quan trọng nhất, bởi nó được vận dụng trong hầu hết các tài liệu dịch. Bản chất của dịch đảo là thay đổi trật tự từ giữa bản gốc và bản dịch. Kỹ xảo dịch đảo thường được áp dụng với cụm định ngữ, trạng ngữ thời gian và trạng ngữ địa điểm. Để thành thạo kỹ xảo dịch đảo chúng ta cần luyện kỹ năng phân tích thành phần câu trước, trong đó học cách xác định trung tâm ngữ và định ngữ đa tầng là quan trọng nhất. Tiếp đến dựa trên việc so sánh vị trí định ngữ trong tiếng việt và tiếng Trung, chọn cách sắp xếp các tầng định ngữ một cách chuẩn ngữ pháp.

Ví dụ 1:

Bản gốc:Trong suốt 76 năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, các thế hệ ngành ngoại giao Việt Nam đã luôn nỗ lực phấn đấu học tập, thực hành tư tưởng và tác phong ngoại giao Hồ Chí Minh.
(Trích bài viết “Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII” của đồng chí Bùi Thanh Sơn.)

译文:在76年内,在党和首位外交部长胡志明主席的直接领导 下,越南外交部历代干部 始终努力学习,践行胡志明的外交思想和作风。

Ở ví dụ này, mình đã áp dụng kỹ xảo dịch đảo đối với 2 cụm danh từ:
Cụm danh từ 1: Sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên

Trung tâm ngữ: sự lãnh đạo

Định ngữ: trực tiếp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên

Dịch là: 党和首位外交部长胡志明主席的直接领导

Cụm danh từ 2: Các thế hệ ngành ngoại giao Việt Nam

Trung tâm ngữ: thế hệ

Định ngữ: các, ngành ngoại giao, Việt Nam

Dịch là: 越南外交部历代干部

Ví dụ 2:

Bản gốc: 截至2021年1月,俄罗斯石油公司的石油产量 同比增加了8,1%,达到了3.873亿吨。
译文:Tính đến tháng 1 năm 2021, sản lượng dầu khí của tập đoàn Rosneft của Nga đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 387,3 triệu tấn.

Ở đây, có 2 cụm từ mình tiến hành dịch đảo là:

Cụm danh từ 1: 2021年1月. Đây là cụm trạng ngữ thời gian, trong tiếng Trung thì sắp xếp từ lớn đến bé “2021年1月” , nhưng khi dịch sang tiếng Việt, phải dịch đảo từ bé đến lớn “tháng 1 năm 2021” .

Cụm danh từ 2: 俄罗斯石油公司的石油产量. Đây là cụm danh từ đảm nhận vai trò làm chủ ngữ của câu.

Trung tâm ngữ: 产量

Định ngữ: 俄罗斯石油公司, 石油

Như vậy trung tâm ngữ “产量” có 2 tầng định ngữ bổ nghĩa.

Dịch là: sản lượng dầu khí của tập đoàn Rosneft của Nga

⇒ Vấn đề của đa số người dịch là: có thể xác định được chính xác thành phần câu và cụm định ngữ nhưng vẫn không biết sắp xếp các tầng định ngữ ra sao cho đúng ngữ pháp của ngôn ngữ đích. Vì vậy, theo mình bạn nên thực hành dịch xuôi Trung – Việt trước, để nắm chắc kết cấu tiếng Trung rồi, thì khi dịch ngược Việt – Trung sẽ thấy dễ dàng hơn.

2. DỊCH CHUYỂN (DỊCH THAY ĐỔI CẤU TRÚC) (转译法)

Để bản dịch đáp ứng được yêu cầu về cách biểu đạt trong ngôn ngữ đích thì người dịch sẽ tiến hành chuyển đổi từ loại, loại hình câu, ngữ khí,… của văn bản gốc. Kỹ xảo đó được gọi là dịch chuyển hay dịch thay đổi cấu trúc.

Khi chuyển đổi từ loại, có thể chuyển tính từ thành danh từ, động từ; chuyển động từ thành danh từ, tính từ ; chuyển danh từ thành động từ, tính từ, phương vị từ; chuyển tính từ thành phó từ, đoản ngữ, trạng từ; chuyển phó từ thành liên từ, giới từ và ngược lại….

Với các thành phần câu, có thể chuyển chủ ngữ thành trạng ngữ, định ngữ, tân ngữ; chuyển vị ngữ thành chủ ngữ, định ngữ,…

Với dịch chuyển loại hình câu và ngữ khí trong bản gốc thì có thể chuyển từ chủ động sang bị động và ngược lại.

Ví dụ 1:

Bản gốc: Đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt, gây ra những tổn thất nặng nề đối với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có nước ta.

新冠肺炎疫情十分复杂, 产生多方面的影响,对我国在内的许多国家和民族造成了严重的损失。
Trong câu này, từ “ảnh hưởng” ở văn bản gốc là động từ, nhưng trong văn bản dịch đã chuyển đổi từ loại thành danh từ. Đó chính là kỹ xảo dịch chuyển.

Ví dụ 2:

Bản gốc: Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Phân tích văn bản gốc:

Chủ ngữ: dệt may

Động từ: là

Tân ngữ: ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Trung tâm ngữ: ngành

3 tầng định ngữ: xuất khẩu, chủ lực, Việt Nam

Dịch: 纺织服装品被评价为越南主要出口货物之一。

Phân tích văn bản dịch:

Chủ ngữ: 纺织服装品 (hàng may mặc)

Động từ: 被评价为 (được đánh giá là)

Tân ngữ: 越南主要出口货物之一

(một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam)

Trung tâm ngữ: 货物之一

3 tầng định ngữ: 出口, 主要, 越南

Nhìn vào bảng phân tích phía trên, chúng ta có thể nhận ra sự thay đổi trong kết cấu và diễn đạt giữa bản gốc và bản dịch. Cụ thể đó là: từ câu chủ động trong bản gốc chuyển sang câu bị động trong bản dịch; từ chủ ngữ “dệt may” chuyển thành “纺织服装品”(hàng may mặc), từ trung tâm ngữ “ngành” chuyển thành “货物之一” (một trong những mặt hàng).

3. DỊCH THÊM (增译)

Do sự khác biệt về đặc điểm ngôn ngữ giữa 2 thứ tiếng, khác biệt về văn hóa giữa hai đất nước và do chức năng thông tin không giống nhau mà người dịch có thể thêm thông tin cho bản dịch so với bản gốc. Với kỹ xảo dịch này, người dịch sẽ thêm một số từ, một câu ngắn để truyền tải một cách chính xác ý nghĩa của văn bản gốc.

Bản gốc: 广州市内的物流点,甲方提供免费送货服务,超出广州市则另外收取送货费用。

Dịch: Nếu địa điểm nhận hàng nằm trong khu vực thành phố Quảng Châu, thì bên A cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng miễn phí; nếu vượt quá địa phận Quảng Châu thì sẽ thu phí dịch vụ vận chuyển phát sinh.

Trong ví dụ trên, mình đã đưa thêm cặp liên từ “Nếu… thì…”để cho tài liệu dịch trở nên logic, dễ hiểu hơn. Ngoài ra cũng thêm từ “địa phận” để tạo sự diễn đạt tự nhiên.

4. DỊCH BỚT(减译)

Kỹ xảo này hoàn toàn ngược lại với kỹ xảo dịch thêm. Mục đích của dịch bớt là bỏ đi những từ ngữ không phù hợp với tư duy ngôn ngữ đích và những thông tin thừa thãi, không cần thiết.

Bản gốc: 目前我们的当务之急是更加积极主动发现问题、分析问题和解决问题。

Dịch: Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của chúng ta là càng phải tích cực chủ động phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề.

Trong ví dụ trên, thay vì dịch nguyên văn thành “phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề” thì mình đã sử dụng kỹ xảo dịch bớt để bỏ 2 từ “问题” trong văn bản gốc, khiến bản dịch trở nên thoát nghĩa và trôi chảy hơn rất nhiều.

5. DỊCH TÁCH(折句法)

Với kỹ xảo dịch tách, người dịch sẽ tiến hành tách một câu dài phức tạp thành hai hoặc nhiều câu ngắn hơn, đơn giản hơn.

Bản gốc:Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm lần này, chuyến thăm góp phần nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Dịch: 越南国家主席阮春福高度评价此次访问。他认为,此次访问有助于将两国关系迈上新台阶。

Từ một câu trong văn bản gốc, mình đã tách thành 2 câu ngắn trong văn bản dịch, nhằm làm cho đoạn dịch diễn đạt rõ ý hơn.

6. DỊCH GỘP(合句法)

Kỹ xảo này ngược lại hoàn toàn với dịch tách, người dịch sẽ tiến hành gộp hai hay nhiều câu ngắn thành một câu dài hoàn chỉnh. Mình đánh giá dịch gộp là một trong những kỹ xảo khó nhất, đòi hỏi người dịch có ngữ pháp chắc chắn, hiểu rõ ý nghĩa bản gốc và kỹ thuật phân tích tốt.

Ví dụ:

Các thí nghiệm chỉ ra rằng, độ chính xác của phương pháp này trong việc phân loại trọng lượng quả đối với xoài quế hương là 96%, còn đối với xoài tím là 92%. Độ chính xác của việc phân loại tổn thương bề mặt quả với xoài quế hương là 76%, còn đối với xoài tím là 80%.

实验证明,这一方法对桂香芒、紫花芒检测的果重分级准确率 分别达 96%、92%,果面坏损分级准确率 分别为 76%、80%。

Trong câu này mình đã sử dụng kết cấu “分别 + động từ” để tiến hành dịch gộp.

Cụ thể là gộp vế câu “độ chính xác của phương pháp này trong việc phân loại trọng lượng quả đối với xoài quế hương là 96%”, và vế câu “ còn đối với xoài tím là 92%” vào thành 1 câu bằng “分别”.

Tương tự, “Độ chính xác của việc phân loại tổn thương bề mặt quả với xoài quế hương là 76%” và “còn đối với xoài tím là 80%” cũng dùng “分别” gộp thành 1 câu.

Ngoài dịch gộp, câu này còn áp dụng dịch trực, dịch đảo.

7&8. DỊCH XUÔI VÀ DỊCH NGƯỢC (正译&反译法)

Khi sử dụng kỹ xảo dịch xuôi, bản dịch sẽ có phương thức biểu đạt và thứ tự thành phần câu như bản gốc. Kỹ năng phiên dịch tiếng Trung dịch ngược thì phương thức biểu đạt và thứ tự thành phần câu trong bản dịch sẽ ngược lại với bản gốc.

Bản gốc:至于海上问题,阮春福提议双方继续在坚持遵守国际法基础上和平解决海上问题。

Dịch xuôi: Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục giải quyết các vấn đề trên biển bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

(Các kỹ xảo dịch áp dụng là dịch xuôi, dịch đảo, dịch thêm)

Dịch ngược: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đối với vấn đề trên biến, hai bên tiếp tục giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

( Các kỹ xảo dịch áp dụng là dịch ngược, dịch bớt, dịch đảo, dịch thêm)

Với kỹ xảo dịch xuôi, người dịch chỉ cần dịch nguyên văn thứ tự thành phần câu trong văn bản gốc. Ngược lại, với kỹ xảo dịch ngược, người dịch đã đảo vị trí của chủ ngữ “chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc” ( 阮春福) lên đầu câu, tuy thứ tự đã thay đổi nhưng vẫn chính xác về mặt nội dung và ngữ pháp, đồng thời nhấn mạnh được chủ thể hành động là “chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”.

(Theo Thanh Vu)

Với những chia sẻ này, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kỹ năng phiên dịch tiếng Trung, giúp bạn trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Xem thêm:

    ĐĂNG KÝ HỌC TẠI ĐÂY

    BẠN MUỐN ĐĂNG KÍ KHÓA HỌC NÀO ?

    Trung tâm tiếng Trung THANHMAIHSK tự hào là trung tâm có số lượng học viên đông và chất lượng nhất. Giảng viên trình độ trên đại học, giáo trình chuyên biệt, cơ sở vật chất hiện đại và vị trí phủ khắp HN , HCM với 10 cơ sở.

      Chọn cơ sở gần bạn nhất?

      Bạn đang quan tâm đến khóa học nào?


      Họ tên (Bắt buộc)

      Số điện thoại (Bắt buộc)


      X
      ĐĂNG KÍ KHÓA HỌC