Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng là câu thành ngữ rất quen thuộc trong đời sống. Tuy nhiên ít ai biết đến vế sau câu thành ngữ và ý nghĩa trọn vẹn của nó. Cùng tự học tiếng Trung tại nhà tìm hiểu nhé!
Ý nghĩa thành ngữ Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” tiếng Trung là 树欲静而风不止: shù yù jìng ér fēng bù zhǐ). Đây là một thành ngữ vẫn được dùng với nghĩa “Người muốn được bình an, yên ổn, nhưng kẻ khác lại cứ tiếp tục gây gổ, chống đối, quấy phá” (Từ điển Thành ngữ Việt Nam).
Nhưng ít ai biết đến vế sau của câu thành ngữ, và hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu thành ngữ này.
“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” (“树欲静而风不止,子欲养而亲不待也: shù yù jìng ér fēng bù zhǐ, zǐ yù yǎng ér qīn bù dài yě).
Nguồn gốc
Tương truyền, Khổng Tử đang trên đường sang nước Tề thì gặp một người tên Cao Ngư đang khóc lóc thảm thiết bên vệ đường. Khổng Tử hỏi lý do, người này kể về những mất mát của mình: “Thuở nhỏ tôi rất hiếu học, đi chu du khắp nơi. Đến lúc trở về mới biết rằng cha mẹ đã qua đời.” Sau đó còn đau xót nói thêm: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn.”
Cha mẹ có công sinh thành dưỡng dục, là những người yêu thương ta vô điều kiện, hiếu thuận với cha mẹ vốn là bổn phận của người con. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, đến những lúc con cái muốn báo hiếu nhưng đã không còn cơ hội ấy.
Chúng ta vẫn mong muốn đến tuổi trưởng thành để có thể tự lập, rời xa vòng tay cha mẹ và sống cuộc sống của riêng mình. Chúng ta chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi xa, những thành tựu và ước mơ của bản thân nhưng quên rằng cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý cho việc con cái đã trưởng thành và dần rời xa mình. Để đến lúc thèm nghe lời dạy của cha, lời càm ràm của mẹ, thèm những bữa cơm gia đình nhưng cũng chẳng thể một lần nếm lại.
“Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Người ta có thể chuẩn bị, dự đoán ngày một đứa trẻ chào đời, nhưng ai biết được người lúc nào sẽ ra đi. Báo hiếu cha mẹ không cần phải đợi thời, đợi dịp, cần xuất phát từ tâm khảm, tấm lòng của mình.
Cao Ngư hối hận không thôi vì thời trẻ mải miết chạy theo đam mê, đến khi trở lại quê hương cha mẹ sớm đã chẳng còn. Chúng ta của hiện tại may mắn hơn rất nhiều bởi có công nghệ phát triển, dù có đi xa cũng có thể liên lạc với gia đình, vẫn có thể trở về với cha mẹ khi cần thiết. Và có lẽ với người làm cha làm mẹ, điều họ luôn mong chờ là con cái mạnh khỏe, bình an, lương thiện và có thời gian dành cho cha mẹ.
“Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ chẳng còn”, câu nói ấy sẽ luôn nhắc nhở chúng ta về phận làm con, về thời gian trôi đi không chờ đợi bất cứ ai, nhắc nhở chúng ta hãy đối xử thật tốt với cha mẹ từng phút giây trong hiện tại, đừng để hối tiếc mãi về sau.
Xem thêm:
- Mã đáo thành công là gì? Tranh mã đáo thành công mấy con ngựa?
- Giải thích: Hậu sinh khả úy là gì?
- Cầm kỳ thi họa nghĩa là gì? Giải thích thành ngữ