Mùa thi cử sắp đến, vô vàn những lời chúc tốt đẹp đều được gửi đến các sĩ tử. Trong đó câu chúc “Ngũ tử đăng khoa” được rất nhiều người sử dụng. Câu chúc này có ý nghĩa gì? Câu chuyện xoay quanh câu chúc là gì? Cùng tự học tiếng Trung tìm hiểu nhé!
1. Ngũ tử đăng khoa là gì?
Ngũ tử đăng khoa tiếng Trung là 五子登科 /Wǔzǐ dēngkē/ . Là một câu chúc được dùng trong nhiều trường hợp như hôn lễ, thi cử với ngụ ý chúc cho gia đình sớm có quý tử, hơn nữa là quý tử đỗ đạt.
2. Nguồn gốc thành ngữ
Nguồn gốc của câu “Ngũ tử đăng khoa” xuất phát từ câu chuyện Đậu Vũ Quân là người U Châu, bởi vì U Châu còn được gọi là phủ Yến Sơn, cho nên mọi người gọi ông là 窦燕山/Dòu yànshān/ – Đậu Yến Sơn.
Đậu Yến Sơn sinh ra trong gia đình giàu có, được nuông chiều từ bé, vì thế tính cách ngang ngược. Khi trưởng thành dựa vào cơ nghiệp tổ tiên để lại, ông vẫn có tính cách thô bạo, ức hiếp người nghèo. Đến năm 30 tuổi, vợ chồng Đậu Yến Sơn vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, Đậu Yến Sơn mơ thấy ông nội đã mất về nói với mình rằng, bởi vì nghiệp báo của ông quá nặng cho nên kiếp này không chỉ không có con nối dõi mà hơn nữa tuổi thọ cũng ngắn ngủi, khuyên nhủ Đậu Yến Sơn chỉ có sớm tu thiện thì mới có thể thay đổi được vận mệnh.
Đậu Yến Sơn tỉnh dậy, nhớ kỹ lời ông nội khuYến bảo, hạ quyết tâm làm nhiều việc tốt, tích công đức. Ông cải sửa thói ác bá của mình đối với mọi người, hàng ngày làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo trong vùng thay vì ức hiếp họ như trước.
Sau nhiều năm, Đậu Yến Sơn lại nằm mơ thấy ông nội về. Trong mơ, ông nội đã nói với Đậu Yến Sơn rằng: “Bởi vì con đã làm nhiều việc thiện giúp người, tích được âm đức lớn nên Thượng thiên đã kéo dài thọ mệnh cho con thêm 36 năm, hơn nữa còn ban cho con 5 người con trai. Tương lai, gia đình họ Đậu sẽ càng giàu sang và công danh hiển đạt!”.
Về sau, Đậu Yến Sơn quả thật có tới năm người con trai. Năm người con này lần lượt thi đỗ làm quan vào thời Ngũ Đại và Bắc Tống, sau đó cũng ra làm quan.
Người con cả của ông là 窦仪/Dòu yí/ – Đậu Nghi làm quan tới chức Công bộ thượng thư vào thời Tống Thái Tổ. Năm người con của Đậu Yến Sơn đều là những vị quan thanh liêm, được người đương thời ca tụng. Nghi học vấn ưu tú uyên bác, tác phong nghiêm nghị chỉnh tề.
Bốn người con còn lại là 俨 /yǎn/ – Nghiễm, 侃/kǎn/ – Khản, 偁/chēng/ – Xưng, 僖 /xī/ – Hi đều lần lượt đăng khoa.
Đậu Yến Sơn làm nhiều việc thiện tích đức, sửa đổi được vận mệnh. Năm người con ưu tú được ông dạy dỗ bằng những lời nói và việc làm mẫu mực, được xưng là “Ngũ tử đăng khoa”, cũng được gọi là “Ngũ tử thành long”. Từ đó,“Ngũ tử đăng khoa” cũng trở thành câu thành ngữ được lưu truyền thiên cổ.
Quả thực mỗi thành ngữ đều là tinh hoa, đúc kết những triết lý uyên thâm từ trong đời sống. Sử dụng thành ngữ là cách để diễn tả ý nghĩa của câu nói một cách ngắn gọn, xúc tích hơn. Vì vậy thành ngữ gặp rất nhiều trong đời sống. Các bạn cùng trau dồi để nâng cao kỹ năng cho bản thân nhé!
(Tổng hợp từ Khoai tây yêu tiếng Trung)
Xem thêm: